TRẺ CON CÓ CẦN UỐNG SỮA BÒ HAY KHÔNG? VÀ SỮA BÒ CÓ ĐỘC HẠI KHÔNG?
Do ảnh hưởng từ những quảng cáo sữa cho con, rất nhiều người tin rằng sữa bò không thể thiếu với trẻ và sữa rất có lợi cho chiều cao và trí thông minh của trẻ nên lạm dụng sữa bò, thậm chí còn có tư tưởng con không ăn cũng được chỉ cần uống sữa hoặc không uống sữa thì không cao được.
Nhưng một bộ phận các bố mẹ khác thì đang tẩy chay sữa bò là sữa thú không phù hợp cho con người, chứa máu mủ mầm bệnh, khiến chúng ta chết sớm, loãng xương…
Vậy, chúng ta nên nhìn nhận về sữa bò thế nào cho đúng? Con chúng ta có cần uống sữa không?
TRẺ CÓ CẦN PHẢI UỐNG SỮA BÒ KHÔNG?
Sữa là nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất bao gồm protein, chất béo, canxi, kali, phốt-pho, vitamin D. Uống sữa là CÁCH DỄ NHẤT để bổ sung những chất dinh dưỡng này.
Loài người chúng ta tiến hóa theo một chế độ dinh dưỡng không hề có sữa bò và tiêu thụ sữa bò nói chung là không cần thiết về mặt dinh dưỡng nếu bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ canxi thông qua các loại đậu, quả hạch, rau lá xanh và một số loại cá.
Nhưng với những đối tượng kén ăn, đặc biệt là trẻ nhỏ, việc bổ sung đầy đủ những dưỡng chất nêu trên KHÓ CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC vì khó ép trẻ ăn đủ rau lá xanh, quả hạch và các loại cá. Hơn nữa, trẻ nhỏ cần nhiều dưỡng chất để phát triển nhưng bao tử lại nhỏ nên cần những thực phẩm thật giàu dinh dưỡng, ăn ít nhưng mà chất.
Đó là chưa kể việc trẻ có thể ăn một loại thức ăn duy nhất trong nhiều ngày, từ chối ăn những món giàu dinh dưỡng. Vì thế, dù nhiều nguồn thực phẩm khác có thể thay thế sữa nhưng sữa là CÁCH ĐƠN GIẢN NHẤT để bổ sung những dưỡng chất này, đặc biệt khi phải đối phó tạm thời với những giai đoạn kén ăn khó hiểu của trẻ.
Tóm lại, trong khoa học về dinh dưỡng, mọi chất đều có thể độc hại nếu sử dụng quá nhiều nên quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng cân bằng. Sữa có thể là một phần của chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nhưng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh không nhất thiết phải có sữa. . Nếu bé nhà bạn không kén ăn, có thể ăn đa dạng thực phẩm, nhất là rau lá xanh, đậu, cá thì sữa có thể không cần thiết.
Nhưng nếu trẻ kén ăn thì bạn nên cân nhắc dùng sữa để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ không uống được sữa hay dị ứng sữa thì bạn cũng không cần quá lo lắng, chỉ cần cho bé ăn đa dạng thực phẩm như trên, bổ sung thêm sữa đậu nành thì vẫn có thể đảm bảo dinh dưỡng.
SỮA CÓ GIÚP TĂNG CHIỀU CAO KHÔNG?
Trọng lượng xương có liên quan đến phát triển chiều cao ở trẻ và canxi là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến trọng lượng của xương. Sữa là nguồn canxi NHIỀU VÀ Ở DẠNG DỄ HẤP THU NHẤT.
Tuy nhiên, để có xương chắc khỏe, chúng ta còn cần vitamin D, ma-giê, vitamin K, vitamin C, vitamin B12. Khi trẻ uống sữa, trẻ sẽ nhận được protein, canxi, vitamin B12. Để có thể phát triển chiều cao, trẻ VẪN CẦN BỔ SUNG CÁC LOẠI VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT KHÁC. Ngoài ra, trẻ còn cần phải bổ sung đủ protein và tập thể dục thường xuyên để có thể phát triển chiều cao hiệu quả.
Hiện nay nhiều bố mẹ có xu hướng dùng sữa thực vật thay thế cho sữa bò và cho rằng đó là sự thay thế hoàn hảo. Thật ra, trong các loại sữa thực vật, chỉ có sữa đậu nành có thể xem là có thể thay thế cho sữa bò. Các loại sữa có nguồn gốc thực vật khác như là sữa bắp, sữa gạo, sữa hạnh nhân, sữa óc chó,…mặc dù chúng ta gọi là “sữa” nhưng nó không thể được coi là nguồn thay thế cho sữa bò vì chúng có HÀM LƯỢNG PROTEIN RẤT THẤP. Hay nói cách khác, chúng có thể được coi là một loại thức uống dinh dưỡng lành mạnh thêm vào chế độ ăn uống của trẻ, nhưng không thể coi là nguồn sữa thay thế cho sữa bò. Ngay cả sữa đậu nành cũng chỉ chứa khoảng một nửa lượng protein của sữa bò. Ngoài ra, protein từ bất kỳ loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật nào đều KHÔNG HOÀN THIỆN như nguồn protein có nguồn gốc từ động vật (ví dụ sữa bò). Đối với trẻ em còn đang trong giai đoạn phát triển thì đây là một trong những điều cha mẹ nên lưu ý.
SỮA CÓ GIÚP ÍCH CHO SỰ PHÁT TRIỂN TRÍ NÃO CỦA TRẺ?
Khi nói tới chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển nhận thức và trí não của trẻ, chúng ta nghĩ ngay đến DHA và EPA. Một số người gọi chung chúng là omega-3. Chính từ tên gọi chung này đã dẫn tới nhầm lẫn rằng tất cả các loại omega-3 đều có chức năng trên. Tuy nhiên, điều này không đúng.
Có 3 loại omega-3 thường gặp trong chuỗi thức ăn của con người, trong đó DHA và EPA chủ yếu có nguồn gốc từ cá và hải sản, còn ALA có nguồn gốc từ các loại hạt (hạnh nhân, óc chó). Trong 3 loại này, chỉ có DHA và EPA là có ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển trí não và thị lực của trẻ còn ALA không có vai trò quan trọng với sự phát triển trí não mà chủ yếu là tốt cho tim mạch. Do đó các bậc cha mẹ cần đọc kỹ nhãn sản phẩm để xác định cụ thể loại omega-3 có trong sản phẩm. Chẳng hạn như các loại trứng gà được làm giàu omega-3, thành phần omega-3 chủ yếu của nó là ALA.
Sữa dường như được bổ sung đúng loại omega-3 là DHA hoặc/và EPA. Tuy nhiên, hàm lượng của chúng trong các loại sữa thường thay đổi theo nhãn hiệu và thật ra hàm lượng cũng không cao. Chẳng hạn như một nhãn hiệu sữa có chứa 32 mg EPA+DHA trong 1 ly sữa. Một nhãn hiệu khác chứa 50 mg EPA+DHA và 50 mg ALA trong 1 ly sữa.Trong khi đó, 1 oz (khoảng 28,3 g) cá hồi chứa 330-500 mg DHA+EPA. Như vậy có thể thấy con bạn có thể nhận đủ DHA và EPA dễ dàng từ việc ĂN CÁ hơn so với uống sữa được bổ sung DHA+EPA. Để đạt được 500 mg DHA+EPA , con bạn cần uống 10 ly sữa, hàm lượng này vượt quá mức so với nhu cầu sữa hằng ngày của trẻ trong khi chỉ cần ăn có 28,3 g cá hồi là đủ lượng DHA và EPA này.
Tóm lại, không phải loại sữa nào cũng được bổ sung DHA và EPA. Ngoài ra, kể cả những loại sữa có bổ sung DHA và EPA thì hàm lượng của chúng cũng thấp hơn nhiều so với hàm lượng có trong các loại cá.
Do vậy, để tăng cường sự phát triển nhận thức và trí não của trẻ, các bậc cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn cá hơn là uống sữa.Một số bậc cha mẹ tin rằng dùng các loại sữa hạt có thể giúp tăng cường phát triển trí não cho trẻ vì chúng có chứa nhiều omega-3. Lưu ý rằng omega-3 trong các loại hạt là ALA, có lợi cho sức khỏe của tim mạch nhưng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trí não.
VẬY TRẺ CẦN UỐNG BAO NHIÊU SỮA MỖI NGÀY THÌ HỢP LÍ?
Dưới 1 tuổi bé, sữa mẹ hoặc sữa công thức là những nguồn dinh dưỡng duy nhất phù hợp cho bé. Với bé trên 1 tuổi, nếu mẹ duy trì được sữa mẹ thì nên duy trì sữa mẹ cho bé càng lâu càng tốt. Còn nếu mẹ không còn sữa mẹ hoặc bé uống sữa công thức thì nên chuyển sang uống sữa bò.
Tuy nhiên sau 1 tuổi, trẻ sẽ nhận dinh dưỡng chủ yếu từ thức ăn và thức ăn/ ăn dặm nên chiếm vai trò chính trong chế độ ăn của trẻ, sữa là phụ.
Đối với trẻ trong giai đoạn đang phát triển, hàm lượng sữa và canxi lý tưởng chưa thật rõ ràng, nhưng dùng không quá 2 ly sữa (480ml) mỗi ngày có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết mà không phải lo lắng về việc vượt quá giới hạn cho phép.
Đối với những trẻ có chế độ ăn uống nghèo nàn (chẳng hạn do trẻ kén ăn), trẻ có thể cần uống 3 ly sữa (720ml) mỗi ngày.
Việc cha mẹ tin vào thông tin quảng cáo của sữa và cho trẻ uống sữa quá nhiều có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe, cụ thể là bệnh béo phì.
CHỌN SỮA NÀO CHO CON THÌ PHÙ HỢP?
Sữa không đường nên được ưu tiên hơn cho trẻ bởi vì lượng đường cơ thể trẻ mỗi ngày có thể dung nạp có hạn mà trẻ thường sẽ nhận khá nhiều đường từ các đồ ăn khác trong ngày. Thừa đường sẽ dẫn đến béo phì và nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn.
Vì thế, ngay từ khi bắt đầu uống sữa bò bố mẹ nên cho bé uống sữa không đường, vị sữa tự nhiên cũng nhạt như sữa mẹ hay sữa công thức nên không ngại bé chê. Nếu bé đã quen uống sữa có đường thì giảm dần thành ít đường.
Giữa sữa tiệt trùng và sữa thanh trùng, sữa thanh trùng thường có mùi vị giống sữa tươi hơn.
Do quá trình xử lí ôn hòa hơn nên sữa thanh trùng giữ được phần lớn giá trị dinh dưỡng của sữa trong khi sữa tiệt trùng bị bất hoạt toàn bộ enzym trong sữa và vi sinh vật. Vì thế, nếu thuận lợi thì sữa thanh trùng nên là lựa chọn ưu tiên hơn.
Sữa hiện nay có các loại là sữa béo toàn phần, tách béo 2% hay 1% hay tách béo. Những loại sữa không ghi thêm gì ngoài nhãn là sữa béo toàn phần, chủ yếu ở nước ta hiện nay là loại sữa này. Các loại sữa tách béo sẽ ghi rõ trên bao bì. Thường sữa tách béo được dùng để tránh béo phì nhưng có quan điểm cho rằng điều này có thể gây tác động ngược lại.
Việc chọn sữa béo toàn phần (nguyên kem) hay tách béo là tùy thuộc vào bé và vẫn còn đang tranh luận. Thông thường, trẻ từ 1-2 tuổi thì dùng sữa béo toàn phần.
Sau đó, nếu trẻ phát triển đạt chuẩn thì được khuyến cáo uống sữa 1%, vì giai đoạn này trẻ đã có nguồn chất béo từ thực phẩm dồi dào, nên không cần lấy thêm béo từ sữa.
Nhưng ở nước ta sữa tách béo không phổ biến và khá khó tìm nên nếu bé không có nguy cơ béo phì thì bố mẹ vẫn có thể tiếp tục cho bé uống sữa nguyên kem.
Sữa cũng được thêm các hương vị khác nhau để có vị socola, dâu, chuối… Các mùi vị này giúp sữa dễ uống hơn với nhiều trẻ không quen vị tanh của sữa. Tuy nhiên, các mùi vị thêm vào bản chất nó là đường.
Đối với các bé đã thừa cân, béo phì, bố mẹ nên cân nhắc không dùng các loại sữa có mùi vị này để tránh quá nhiều đường khiến bé càng tăng nhiều cân hơn.
Xem thêm:
Cách khắc phục khi bị mất sữa. Cần xem ngay nếu mẹ đang thiếu sữa cho bé
Mách mẹ cách chữa ít sữa bằng lá vô cùng hiệu quả, sữa về ướt áo